Bối cảnh Hiệp_ước_Versailles_(1787)

Năm 1771, Tây Sơn khởi binh chống lại chúa Nguyễn, thế ngày một mạnh. Trong khi ở phía bắc vào năm 1774, chúa Trịnh cũng đưa quân tấn công và chiếm được Phú Xuân, thủ phủ của Đàng Trong vào năm 1775 trong cuộc xung đột lần cuối cùng giữa hai chính quyền cai trị Đàng Trong và Đàng Ngoài, chúa Nguyễn thua chạy vào đóng quân ở Quảng Nam, lập cháu là Nguyễn Phúc Dương làm thái tử kế vị. Quân Tây Sơn tiến ra đánh chiếm Quảng Nam, chúa Nguyễn ở thế "lưỡng đầu thọ địch" không chống nổi bèn cùng với cháu là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) chạy vào Gia Định, để lại Nguyễn Phúc Dương chống với quân Tây Sơn. Cho đến năm 1777, Nguyễn Huệ xua quân lấy được đất Gia Định, bắt giết chúa Nguyễn và Nguyễn Phúc Dương; Nguyễn Ánh chạy thoát được.[2]

Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ về Quy Nhơn, Nguyễn Ánh lúc ấy 17 tuổi, tập hợp tôi tớ cũ chúa Nguyễn, khởi binh thu đất Gia Định và xưng vương năm 1780. Năm 1782, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đem quân vào đánh đất Gia Định, Nguyễn Ánh phải chạy về Ba Giống, rồi ra đảo Phú Quốc. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ rút về Quy Nhơn, Nguyễn Ánh lại tái chiếm Gia Định, năm 1783, Nguyễn Huệ lại mang quân đánh khiến Nguyễn Ánh phải lánh ra Phú Quốc. Nguyễn Huệ đánh ra Phú Quốc, Nguyễn Ánh chạy ra Côn Lôn, Nguyễn Huệ đem thuyền vây Côn Lôn, nhờ có bão mà Nguyễn Ánh chạy thoát ra đảo Cổ Cốt, rồi lại về Phú Quốc.[3]

Bây giờ Nguyễn Ánh lương thực hết, phải hái rau, tìm củ chuối để ăn, thế cùng lực kiệt. Trước đây Nguyễn Ánh có quen với người Pháp, làm giám mục đạo Gia Tô tên là Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine, évêque d'Adran) khi ấy Bá Đa Lộc đang ở Chantaboun (thuộc nước Xiêm), Nguyễn Ánh bèn sai người đến bàn việc. Bá Đa Lộc khuyên Nguyễn Ánh cầu viện nước Pháp, nhưng phải cho Hoàng tử Cảnh đi làm tin thì mới được.[3]

Mọi sự sắp xếp đã rồi, nhưng vì trái gió mùa, Bá Đa Lộc chưa đi tàu về Pháp được. Nguyễn Ánh trong bụng chưa quyết hẳn việc cầu viện nước Pháp, liền sang nước Xiêm La xin cứu viện. Nước Xiêm mang 3 vạn quân, 300 chiếc thuyền tiến sang Đại Việt. Nguyễn Nhạc nghe tin, cử Nguyễn Huệ đem binh vào, đánh bại quân Xiêm La ở Trận Rạch Gầm - Xoài Mút vào tháng 1 năm 1785.